Phương pháp "Bàn tay nặn bột" - Một hướng đi mới trong đổi mới phương pháp dạy học ở trường Tiểu học Việt Nam

Thứ ba - 11/10/2016 16:08
"Bàn tay nặn bột" (tiếng Pháp là: La main à la pâte - LAMAP, tiếng Anh: Hands-on) là phương pháp dạy học khoa học dựa trên cơ sở của sự tìm tòi - nghiên cứu, áp dụng cho việc dạy học các môn khoa học tự nhiên.

Phương pháp này được khởi xướng bởi Giáo sư Georges Charpak (Giải Nobel Vật lý năm 1992). Dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột (BTNB), giáo viên là người định hướng, khơi gợi để chính học sinh tự tìm ra câu hỏi cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống và dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên, học sinh tự tìm được con đường đi đến câu trả lời cho các vấn đề đó thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra để hình thành kiến thức, kĩ năng nghiên cứu cho mình. Cũng như các phương pháp dạy học tích cực khác, phương pháp BTNB coi học sinh (HS) là trung tâm của quá trình dạy học, của các hoạt động nhận thức dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên (GV). Mục tiêu của phương pháp BTNB là khơi gợi tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê nghiên cứu khoa học của HS. Ngoài việc quan tâm đến quá trình nhận thức và kiến thức khoa học, phương pháp BTNB còn chú trọng đến việc rèn luyện kĩ năng diễn đạt sự hiểu biết của HS thông qua ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Bằng các hoạt động tích cực của Hội Gặp gỡ Việt Nam (tiếng Pháp là "Recontres du Vietnam") do giáo sư Trần Thanh Vân làm chủ tịch, từ năm 2000 đến nay phương pháp BTNB được giới thiệu và bước đầu vận dụng trong dạy học ở trường phổ thông Việt Nam.


Giáo sư Trần Thanh Vân tại một cuộc tập huấn giáo viên cốt cán về phương pháp “Bàn tay nặn bột”.

Nhận thức được tầm quan trọng của phương pháp BTNB trong việc khuyến khích niềm đam mê khoa học và sự năng động, sáng tạo của HS, từ năm 2011 Bộ GDĐT đã xây dựng và thực hiện đề án “Triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011 – 2015”. Từ năm học 2012 – 2013, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm đối với cấp tiểu học tại 63 tỉnh/TP trong cả nước (mỗi tỉnh/TP triển khai ít nhất ở 02 trường tiểu học, mỗi trường ít nhất 02 lớp) và được nhân rộng sau mỗi năm học. Đến năm học 2015 – 2016, hầu hết các Sở GD&ĐT đã triển khai đại trà trong các trường tiểu học trên địa bàn của tỉnh. 
 


TS. Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Để triển khai tốt phương pháp BTNB trong các trường tiểu học và trung học cơ sở, Đề án đã tập trung vào những hoạt động cơ bản như: biên soạn, dịch các tài liệu về phương pháp BTNB; tập huấn giáo viên; xây dựng đĩa hình các tiết dạy minh họa; hội thảo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ việc triển khai Đề án tại các địa phương. Trang web "Bàn tay nặn bột" đã được phát triển để tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn, bao gồm: các khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên trực tuyến; kho học liệu hỗ trợ hoạt động dạy học; tổ chức các hoạt động trải nghiệm của học sinh… Hiện nay nguồn tư liệu này đã được tích hợp vào trang "Trường học kết nối" của Bộ GDĐT để thống nhất chung trong tổ chức, quản lý và điều hành

Qua 5 năm thực hiện, các hoạt động của Đề án đã được triển khai đúng kế hoạch; phương pháp BTNB đã được áp dụng có hiệu quả, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông trên phạm vi cả nước. Và điều quan trọng hơn là việc hình thành một cơ chế giao quyền chủ động cho các nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong quá trình thực hiện, Đề án đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của phương pháp BTNB trong  dạy học các môn khoa học. Giáo viên đã đóng vai trò chủ đạo, là người khơi gợi, tạo tình huống, tổ chức, hướng dẫn học sinh thực hiện và luôn chủ động, linh hoạt điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học. Học sinh được GV tổ chức hướng dẫn để tìm ra kiến thức cho bản thân tựa như con đường các nhà khoa học tìm ra kiến thức cho nhân loại. HS đã từng bước hình thành được thói quen nghiên cứu và  say mê khoa học. Việc tổ chức các hoạt động học theo tiến trình sư phạm của phương pháp BTNB đã được thực hiện ở nhiều bài học theo mô hình trường học mới, nhất là đối với các môn Tự nhiên & Xã hội, môn Khoa học.


HS trình bày sự hiểu biết của mình bằng viết, vẽ, lời nói


HS Trường Tiểu học Quang Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình làm thí nghiệm tìm hiểu về một số tính chất của nước

Phương pháp BTNB cùng với dạy học Mĩ thuật theo phương pháp của Đan Mạch và mô hình Trường học mới – VNEN được coi là bước đột phá về đổi mới phương pháp và tổ chức hoạt động dạy học ở trường tiểu học hiện nay. Bài học kinh nghiệm được rút ra từ mô hình mới này sẽ là những đóng góp thiết thực, hữu ích cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, đặc biệt là giáo dục tiểu học giai đoạn sau năm 2015.

 

 

Nguyễn Ngọc Yến - Vụ Giáo dục Tiểu học

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Yến - Vụ Giáo dục Tiểu học

Nguồn tin: www.moet.gov.vn - Bộ GD & ĐT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
ALBUMS ẢNH
VIDEO SỰ KIỆN
LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây